Ba trụ cột của mỗi tổ chức

27 minute read

Published:

Chính trị, An ninh, Kinh tế, Văn hóa là những khía cạnh quan trọng trong đời sống.

Có thể có những cách định nghĩa khác nhau, nhưng trong blog này, tôi sẽ định nghĩa chúng như sau:

  • Chính trị: Mọi sự giữa người với người, ví dụ như cách quản lý một bộ máy nhân sự, hoặc cách ứng xử với một tổ chức khác. Về bản chất, một tổ chức chính là hiện thân của chính trị. Nếu nó mang tầm nhà nước, thì nó là chuyện đàm phán giữa các quốc gia, tạo ra những thỏa thuận, chính sách, hoạt động, giải quyết các mâu thuẫn. Còn đối với mỗi người, chính trị là việc đối nhân xử thế.
  • An ninh: Mọi việc đến việc bảo vệ thành quả, chống lại tác nhân chống phá từ cả bên trong và bên ngoài. Đối với một nhà nước, đó là việc trấn át tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự cho người dân, hoặc chống lại những thế lực thù địch bên ngoài. Còn đối với người dân, thì đó là việc chống trộm cắp lừa đảo, hoặc bảo vệ sức khỏe của bản thân.
  • Kinh tế: Kinh bang tế thế, hoạt động sản xuất trao đổi hàng hóa dựa trên niềm tin. Đều này gần như ko thay đổi nhiều ở mọi cấp độ, vi mô hay vĩ mô, cá thể hay tập thể.
  • Văn hóa: Nó là lối sống của một tập thể. Nó cũng là sản phẩm của niềm tin, là liên kết đa chủ thể (khái niệm tôi mượn từ quyển Nexus của Harari), và nó sẽ ko tồn tại nếu ko có tập thể. Với định nghĩa đó, “Văn hóa” gần với khái niệm “Chính trị” nhất trong 3 khái niệm “An ninh”, “Kinh tế”, “Văn hóa”. Trong khi an ninh và kinh tế đại diện cho nhu cầu sinh tồn của mỗi cá thể, văn hóa đại diện cho nhu cầu “sinh tồn” (hay nói cách khác, nhu cầu liên kết) của tổ chức.

Tôi đã vừa định nghĩa những khái niệm mà tôi muốn bàn trong blog này. Giờ tôi sẽ nói quan điểm của mình. Càng ngẫm, tôi lại càng thấy An ninh, Kinh tế, Văn hóa là ba chân trụ của chiếc kiềng giúp ổn định Chính trị và cuộc sống nhân dân. Ba khía cạnh (hoặc “nhánh”) phát triển này tương trợ và phụ thuộc vào nhau. Ngược lại, Chính trị như bùa lợi nâng cấp cho bất cứ nhánh nào kể trên, và bản nâng cấp của mỗi nhánh sẽ tạo ra một cơ chế quản lý tổ chức khác nhau. Tôi sẽ làm rõ những điều trên và lấy những ví dụ cụ thể.

Tôi mượn thuật ngữ “nhánh” từ các game chiến thuật, khi mà người chơi sẽ nâng cấp nhân vật của mình theo một hệ nhất định.

Sự hiện diện của mô hình kiềng ba chân trong các tổ chức

Nhà nước cần 1 trong ba thứ đó để thành lập, và cần cả 3 để tồn tại. Ví dụ, có nhà nước vũ trang do quân đội lập nên, có vùng tự trị li khai được thành lập từ đấu tranh biểu tình ôn (tức là theo nhánh văn hóa), hoặc có vùng đặc khu kinh tế nên vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, để tổ chức đó tồn tại được lâu dài, tất cả những nhu cầu của cá thể và tổ chức đều phải được thỏa mãn.

Nhà nước vũ trang sẽ ko thể tồn tại được lâu nếu nó ko giúp dân phát triển kinh tế, đầy đủ cơm ăn áo mặc, và làm giàu đời sống văn hóa của người dân. Ví dụ thì chính là thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc của Việt Nam, những thời kỳ phong kiến mà vua quan bỏ bê triều chính, hoặc thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Họ lập ra nhà nước hoặc giữ mô hình nhà nước bởi quân sự, nhưng ko quan tâm, thậm chí bóc lột người dân, và kết cục là chính quyền đó tự sụp đổ hoặc/và bị thay thế bởi một chính quyền khác.

Cũng giống như vậy, nhà nước văn hóa cần lo cơm áo cho người dân và an ninh xã hội. Đó chính là thách thức lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa của tôi thời kỳ với thành lập. Đặc khu kinh tế cũng vậy, nếu ko có an ninh tốt thì sẽ là món mồi béo bở cho tổ chức khác, ví dụ, giặc ngoại xâm.

Các công ty lớn đều có mô hình kiềng ba chân này. Ví dụ, là một thực thể kinh tế, chắc chắn các công ty sẽ tuyển toàn người làm ăn giỏi. Tuy nhiên, các công ty đó cũng xây dựng văn hóa để thu hút người tài, và cũng bảo vệ bí mật kinh tế của họ. Công ty nào thiếu một trong ba thì ko thể tồn tại lâu được. Và thực ra mô hình gia đình cũng vậy.

Có một câu hỏi về tính hoàn thiện của mô hình kiềng ba chân, rằng liệu còn khía cạnh nào khác hay ko? Tôi khá chắc là không, vì ba nhánh này đại diện cho ba nhu cầu cơ bản nhất của mọi sinh vật cấp cao. Mọi khía cạnh khác khả năng cao sẽ là một phần trong ba khía cạnh lớn này. Nếu bạn đọc có ý kiến bổ sung, hãy cho tôi biết bằng cách comment ở phía dưới bài viết.

Mối quan hệ tương hỗ của ba nhánh phát triển.

Tương sinh và cũng là tương khắc, đó là vòng tròn An ninh -> Kinh tế -> Văn hóa -> An ninh. Người ta hay nói rằng “Ổn định để phát triển kinh tế”, “Giàu thì mới làm nghệ thuật được”, và “Văn hóa là linh hồn của dân tộc”. Quả đúng ko sai. Cứ nhìn lịch sử phát triển của VN trong vòng 80 năm qua thì sẽ thấy.

Thời kỳ chiến tranh loạn lạc thì làm sao mà phát triển kinh tế một cách thoải mái được. Lúc đó vừa thiếu thốn ngân sách do phải chi cho an ninh, vừa bị giặc phá họa. Ngược lại, bắt đầu từ những năm 80, khi ko còn lo việc chiến tranh nữa, thì nước ta mới tập trung xây dựng kinh tế được. Điển hình là việc cải cách kinh tế năm 86. Rồi từ những năm 2010, khi mà đời sống vật chất của VN đã được nâng cao, thì việc phát triển văn hóa và tất yếu. Âm nhạc của VN đầu những năm 2000 chỉ là những bản đạo nhạc, thì từ 2010 đã có rất nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cho người Việt tự làm ra, và đến những năm 2020 thì thị trường âm nhạc của VN đã rất lớn mạnh với những sản phẩm đình đám, ko thua kém gì những nghệ sĩ quốc tế. Và khi văn hóa của dân tộc đạt đến đỉnh cao, thì liên kết của người dân với đất nước (đại diện là nhà nước) sẽ càng mạnh mẽ, và nhu cầu bảo vệ nhà nước (hay sức mạnh an ninh của nhà nước) cũng sẽ càng mạnh mẽ.

Do quan hệ tương hỗ đó, các nhà nước có thể cạnh tranh với nhau dựa vào điểm yếu của đối phương và điểm ưu việt của mình. Cách mạng màu xảy ra khi nhánh văn hóa của nhà nước hiện tại ko phát triển và cạnh tranh được với nhánh văn hóa của thế lực cạnh tranh, dẫn đến việc bị lật đổ bởi chiến tranh truyền thông, thông qua các cuộc biểu tình (điều đang xảy ra ở Bangladesh). Điều tương tự cũng xảy ra trong chiến tranh vũ trang (khi mà các đế chế phóng kiến mở rộng lãnh thổ, chủ yếu dùng quân đội mạnh hơn) và chiến tranh kinh tế (việc Liên Xô sụp đổ, khi cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa có những bất cập và ko thể cạnh tranh với kinh tế tư bản).

Tương tự với những mô hình tổ chức nhỏ hơn, như công ty hoặc gia đình. Việc cạnh tranh cũng dựa theo nguyên lý ấy.

Chiều ngược lại của vòng tròn cũng có quan hệ nhất định, cơ mà ít hơn. Nhiều nước giàu nhưng quân đội ko ra gì, ví dụ như Phát xít Ý (ý kiến tham khảo từ các kênh kể chuyện lịch sử), nhưng cũng có nước tận dụng sức mạnh kinh tế để đầu tư phát triển quốc phòng. Tương tự với hai cặp còn lại.

Tương tác của các nhánh và Chính trị

Như đã nói trên, nhà nước, hay hiện thân của một hệ thống chính trị, cần 1 trong ba nhánh phát triển đó để thành lập, và cần cả 3 để tồn tại. Ngược lại, hệ thống chính trị cũng có tác động ngược lại những nhánh phát triển. Để phát triển được bất cứ nhánh nào, thì bộ máy nhân sự của nhánh đó cũng cần hoạt động tốt, tức là việc chính trị của nhánh đó tốt. Bên cạnh đó, ở tầm vĩ mô hơn, chính trị cũng có thể ưu tiên, tập trung nguồn lực để phát triển nhánh đó.

Ko phải tự khen nước mình, nhưng tôi thấy các bác lãnh đạo nhà mình làm chính trị đỉnh cao thật. Chính sách ngoại giao cây tre giúp VN giảm thiểu rủi ro an ninh, rồi lại có thêm lợi ích kinh tế. Đã thế, nhà nước cũng khuyến khích (và ko quản lý quá chặt) phát triển văn hóa. Điều này giúp VN phát triển cả ba nhánh.

Ngược lại, có những quốc gia do bộ máy chính trị yếu kém, nên đã kiến cả ba khía cạnh suy yếu. Ví dụ thì báo đài đưa tin phân tích rồi, tôi sẽ ko nói ở đây.

Áp dụng lý thuyết trong thực tế

Nhìn lại cuộc sống của chính mình, tôi thấy mô hình “kiềng ba chân” này thực sự đúng. Chúng ta, dù là ai, cũng đều xoay quanh An ninh, Kinh tế, và Văn hóa để tồn tại và phát triển, thế nên chúng ta cần lưu ý đến điều đó. Ai cũng có thế mạnh và điểm yếu ở từng khía cạnh. Tôi chẳng phải ngoại lệ.

Tôi đầu tư thời gian để phát triển nhánh Kinh tế – làm nghiên cứu, học kỹ năng làm việc nhóm, học cách lãnh đạo, rồi học cách nhìn ra thời cơ làm ăn. An ninh của tôi thì tạm ổn – tôi tập thể dục vừa đủ để duy trì sức khỏe, không đến mức cuồng nhưng cũng không để cơ thể trì trệ. Nhưng đến Văn hóa, tôi tự thấy mình ko tốt. Tôi ít quan tâm đến các thú vui tinh thần hay làm giàu trải nghiệm cá nhân. Tôi chỉ biết hát và tấu hài để đủ dùng trong những buổi sinh hoạt cộng đồng thôi. Bạn gái tôi thì ngược lại – tôi nghĩ là cô ấy ổn đều cả ba khía cạnh. Năng lực kinh tế: học đủ giỏi (thì mới đỗ Nội trú được), năng lực văn hóa: biết cách xây dựng văn hóa cho mối quan hệ, hướng đến điều tốt đẹp cho cộng đồng, năng lực quân sự: học Y thì đương nhiên biết cách xử lý trong trường hợp bệnh tật, cơ mà ko có nhiều thời gian chăm sóc bản thân.

Điều đó khiến chúng tôi có sự bù trừ, và khiến bọn tôi hút nhau. Tôi lo tài chính, sức khỏe thế chất, còn cô ấy chăm sóc tinh thần, sức khỏe và giúp tôi mở rộng góc nhìn về cuộc sống. Để duy trì mối quan hệ, chúng tôi cũng có thể chọn các hoạt động cùng nhau theo mỗi khía cạnh đó. Chẳng hạn, chúng tôi cùng tập thể dục để nâng cao sức khỏe (An ninh), cùng làm việc và hỗ trợ nhau trong sự nghiệp (Kinh tế), và dành thời gian đọc sách, xem phim, đi chơi để nuôi dưỡng đời sống tinh thần (Văn hóa).

Do mô hình gia đình cũng cần ba yếu tố, nên việc chọn người bạn đời để hài hòa ba yếu tố và phát triển chính trị của hai người rất quan trọng. Tôi nhận ra, nếu một gia đình không có ai mạnh về An ninh (tính mạnh mẽ, dám đương đầu với người ngoài, hoặc sức khỏe tốt), họ dễ bị tổn thương trước những vấn đề bên ngoài. Nếu không có ai giỏi về Kinh tế, mọi thứ sẽ chật vật. Và nếu Văn hóa ko được chú trọng đúng mực, trải nghiệm hôn nhân sẽ rất tệ, thiếu gắn kết. Việc chọn bạn đời, hay nói rộng hơn, việc xây dựng một “tổ chức” bền vững, thực sự nằm ở chỗ mỗi người phải có thế mạnh riêng để hỗ trợ nhau, và quan trọng hơn cả là cần có hệ thống chính trị tư tưởng tốt để khuyên bảo nhau, định hướng cho tổ chức phát triển một cách bền vững.

Tác động của AI vào đời sống

AI đang thay đổi mọi thứ, không chỉ ở quy mô lớn mà còn ở những điều nhỏ nhặt hàng ngày. Tôi thấy AI giống như một “người hỗ trợ ngầm” trong cả ba khía cạnh mà tôi vừa nói.

An ninh? AI đã thay đổi cách con người bảo vệ bản thân và tổ chức. Ví dụ, hệ thống nhận diện khuôn mặt trên camera giám sát đã giúp ngăn chặn tội phạm. Hay bảo mật thông tin cá nhân bây giờ gần như hoàn toàn dựa vào các thuật toán AI. Nhưng đồng thời, AI cũng gây ra rủi ro mới. Một khi bị hacker lợi dụng, nó có thể trở thành vũ khí nguy hiểm – giống như một cánh cửa tự động mở ra cho kẻ trộm.

Kinh tế? Chắc chắn rồi. AI đã và đang tạo ra các công cụ để tối ưu hóa công việc, tự động hóa sản xuất, và thậm chí dự đoán xu hướng thị trường. Nhưng tất nhiên, câu chuyện này có hai mặt. Nhiều công việc đơn giản giờ bị thay thế bởi máy móc. Tôi đã thấy nhiều dân IT kêu ca rằng họ mất việc vì những phần mềm tự động hóa rồi.

Văn hóa? Đây là phần khiến tôi vừa háo hức vừa băn khoăn nhất. Do tôi ko mạnh về văn hóa, việc dùng AI sẽ giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng và hoàn thành bài viết, vì dụ như blog này, một cách nhanh hơn. AI đang sáng tạo nội dung – từ vẽ tranh, viết nhạc cho đến làm video. Nhưng có gì đó vẫn thiếu. Nội dung AI tạo ra, dù thông minh đến đâu, vẫn không có “hồn” như thứ mà con người làm ra hoặc ko đúng chất của người dùng AI. Có lẽ vì thế nên tôi phải sửa nhiều câu của hai mục cuối cùng, phần mà [tôi dùng AI để hoàn thiện], cho đúng ý của tôi hơn. Tôi nghĩ, AI có thể hỗ trợ chúng ta sáng tạo, nhưng để “cảm nhận” và “kết nối”, vẫn cần bàn tay con người.

Liệu AI có thể lật đổ con người không? Tôi nghĩ là chưa – ít nhất là ở thời điểm này. Vấn đề không phải là AI có khả năng gì, mà là con người sẽ dùng nó như thế nào. Nếu biết tận dụng, AI có thể giúp chúng ta củng cố “kiềng ba chân” của mình. Nhưng nếu không cẩn thận, nó có thể làm ngược lại – phá hủy chính sự cân bằng mà chúng ta đã xây dựng suốt bao đời nay. Hãy thử tưởng tượng có một mô hình AI phát biểu như chúa Jesus, khiến cho nhiều con chiên tin vào nó, tôn thờ nó, rồi cung cấp cho cho nó những tính năng để nó có thể tự duy trì và phát triển ba khía cạnh, thì lúc đó mối nguy hại sẽ tăng lên rất nhiều lần!

Leave a Comment