Review sách: Phật Học Đức Dục + Thiện Ác Nghiệp Báo

9 minute read

Published:

Mùng 1 Tết, tôi có cùng ace trong nhà ra chùa chơi. Trong lúc nói chuyện với thầy trụ trì, tôi có hỏi thầy xem ở chùa mình có sách thường thức nào không.

Ở đó có nhiều sách, nhưng tôi nhìn qua thì toàn thấy kinh dịch (là những quyển sách chuyên sâu, hoặc sách liên quan đến nghi lễ nhà Phật), khó để mọi người đọc hiểu. Sách thường thức (như cuốn Đường Xưa Mây Trắng) thì dễ tiếp cận hơn. Thầy nghe vậy thì tìm và đưa tôi hai cuốn sách: Phật Học Đức Dục và Thiện Ác Nghiệp Báo. Tôi ngắm nghía một hồi, mở một vài trang ra đọc thì cũng chưa nắm được gì nhiều. Đến lúc ra về, tôi định tra lại thì thầy bảo tôi cứ mang về mà đọc. Tôi nảy ra ý định sẽ đọc kỹ một vài đoạn của hai cuốn sách, rồi khi nào trả sách thì đàm đạo với thầy :)) Tiện thể, tôi cũng viết review về những cuốn này luôn.

Tôi thích đạo Phật, nhưng không phải một tăng ni phật tử. Tôi cũng không đọc nhiều sách nói chung và sách Phật Pháp nói riêng, nên nhận thức về đạo Phật còn hạn hẹp. Những lời sau đây chỉ mang tính chất cá nhân để độc giả tham khảo. Có gì sai sót xin được lượng thứ.

Phật Học Đức Dục (của Tỳ-kheo-ni Hải Triều Âm)

Cuốn này mỏng hơn nên tôi đọc trước. Định speed-read cơ mà tôi còn hay nghĩ lung tung, nên thành ra mất gần tiếng rưỡi mới đọc xong. Cuốn này có 101 ý nhỏ, mỗi ý thường chỉ dài khoảng nửa trang đên 1 trang, ý tú rõ ràng, dễ hiểu.

Có rất nhiều chủ đề được đề cập tới, ví dụ như Kỷ Luật, Lý Tưởng, Học Vấn, … Tôi thì tâm đắc với những ý nhỏ sau: 5, 9, 24, 36, 54, 58, 75, 77, 94. Ví dụ, ở ý 5 (Thành Thật), sách dạy “Thành thật không phải là dại khờ nhẹ dạ, cũng không phải bạ đâu nói đấy, thiếu kín đáo nhã nhặn. Thành thật là can đảm, tự tôn trọng và tôn trọng người …”; hay ở ý 77 (Chỉ trích) “… Chỉ trich như kim chích thuốc, đau nhưng hết bệnh. Người tu hành can đảm nhận mọi chỉ trích và sàm báng, không nên sợ nó. Ngược lại biết sử dụng cơ hội ngàn vàng đó để tìm ra những thiếu sót mà tự mình không thể thấy …”. Quả là những lời răn dạy đáng giá.

Tuy nhiên, có một vài ý tôi không đồng tình hoàn toàn. Ý 23 (Học Phật phải thế nào), sách dạy “… (không được) … 4) Ưa học sách ngoài, lại đem những triết lý tư tưởng thế gian, sánh với Kinh cao của Đức Phật, cho là đồng bực. Những ác kiến như đây, lắm hơn thuốc độc có hại cho Pháp thân tuệ mạng …”. Nếu những “triết lý, tư tưởng thế gian” là những thứ tiêu cực, gây hại cho quá trình tu tập thì đọc chúng là điều không nên; nhưng nếu chúng là những tư tưởng đúng và bổ sung cho đạo Phật và các tôn giáo khác, thì rõ ràng chúng ta cần phát huy chứ không bài trừ nó. Theo những câu chuyện trong Đường Xưa Mây Trắng, Đức Phật cũng học hỏi nhiều điều từ những người xung quanh, từ những người tu thiền, đến cậu bé chăn trâu, trước khi đạt được quả vị cao nhất. Bên cạnh đó, ý 37 có định nghĩa về Sa môn như là người không có cảm xúc. Tôi thiết nghĩ đạo Phật không như vậy. Con người vẫn có cảm xúc, chỉ có điều mình biết cảm xúc ấy, thân thể ấy không phải mình.

Thiện Ác Nghiệp Báo (Thích Nguyên Chơn, Pháp sư Đạo Thế)

Quyển này dày dã man, in thành hai quyển, tổng cộng 1402 trang. Quyển này được dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Tôi chỉ đọc một vài chương thôi, chứ ko có thời gian đọc hết. Quyển này có những câu chuyện dài hơn, nhiều chủ đề hơn, có nhiều phép ẩn dụ (analogy) hơn. Đặc biệt, tôi thấy quyển này có đôi chút giáo điều hơn, ‘thao túng tâm lý’ hơn quyển Phật Học Đức Dục.

Ở trang 103, câu chuyện về chú voi nghe khá là không … uy tín lắm. Tôi không chê trách gì cả, nhưng cảm giác như câu chuyện được ‘make up’ từ ý ban đầu. Thà rằng cứ nói ngắn gọn súc tích như quyên trước, khéo lại hay hơn.

Bên cạnh đó, ở trang 813, sách có viết “Như luận ‘Trí độ’ ghi: Bồ Tát quán sát … các thứ bất tịnh, trong các mối nguy hại thì người nữ là nguy hại nhất. Những thứ như dao, lửa, giông tố, … còn có thể gần được, chứ người nữ đầy dẫy tham lam keo kiệt, giận dữ, … không nên gần gũi. Vì sao? Vì người nữ là tiểu nhân, tâm trí cạn cợt … Đức Phật dạy: … ‘Nữ tặc hai lòng người/không sao ngăn cản được …” Hmm, tôi khá chắc đây là phiên bản đạo Phật kèm ít Nho giáo. Nó coi thường phụ nữ một cách khủng khiếp. Còn nhớ chuyện Đức Phật khai sáng cho một kỹ nữ. Rõ ràng Phật không hề phân biệt đối xử với phụ nữ như vậy. Kể cả khi răn dạy phật tử, những người có thể còn chưa vững vàng, tôi khá chắc rằng Phật sẽ không nói những điều ấy, với cái ngôn ngữ phân biệt đối xử ấy.

Leave a Comment