Tản mạn về cuốn Nexus của Yuval Noah Harari
Published:
Khi đọc cuốn sách “Nexus” của Yuval Noah Harari, tôi không thể không bị cuốn hút bởi cách ông khám phá bản chất và những mối liên hệ giữa các khá niệm như thể chế chính trị, nhà nước, cộng đồng, tiền bạc, và văn hóa, v.v. Tất cả những khái niệm này đều là một mạng lưới thông tin khổng lồ, mà ở đó, thông tin không chỉ đơn thuần là phản ánh sự thật. Ở đó, nhiệm vụ chính của thông tin là kết nối những sự vật hiện tượng, và ko thiếu trường hợp rằng thông tin được thêu dệt để có thể truyền tải một câu chuyện mạnh mẽ hơn, kết nối mọi người theo những cách mà sự thật đôi khi không thể làm được.
Một ví dụ cho điều này có thể thấy trong bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, bài hát kể chuyện bộ đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào năm 1954. Theo lời của nhà sử học Lê Văn Lan, thực tế là họ không đi qua 5 Cửa Ô như hình ảnh đẹp đẽ trong bài hát. Tuy nhiên, việc mô tả như vậy lại mang lại giá trị truyền thông cao hơn, tạo nên một biểu tượng mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc. Câu chuyện không chỉ là về những gì đã xảy ra, mà còn là về cách mà nó được cảm nhận và ghi nhớ trong lòng người dân.
Điều này dẫn tôi đến một thực tế: đôi khi, chúng ta cần phải hy sinh sự thật để đạt được trật tự xã hội. Trong các hệ thống chính trị, các cơ quan tổ chức đôi khi kiểm soát những sự thật phức tạp, ko truyền thông đến tới người dân. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cấm người dân truy cập vào các trang web nước ngoài, nhằm kiểm soát thông tin và giữ gìn sự ổn định. Các nước phương Tây cũng từng lấy cớ “đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản” để tham gia vào những cuộc chiến tranh, mà thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với những gì được truyền đạt. Kể cả trong một gia đình, có những chuyện chỉ một vài người biết với nhau và tự giải quyết, và ko để ảnh hưởng tới người khác.
Ở một phương diện khác, các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên sử dụng những tiêu đề giật gân hoặc thông tin không chính xác để thu hút sự chú ý. Chúng ta có thể thấy điều này trong những vụ lừa đảo mà báo chí đưa tin bằng một tiêu đề khiến khuếch đại sự nguy hiểm của tội phạm mạng. Điều đó khiến cho câu chuyện dễ ghi nhớ hơn, nhưng lại thiếu đi sự thật rằng việc lừa đảo qua mạng cũng cần một sự tinh vi, và chỉ khi ta sơ hở quá nhiều thì mới bị lừa, chứ ko phải trò lừa trẻ con mà dễ dàng như vậy.
Cũng giống như trên, một trong những lý do mọi người thuê người nổi tiếng để quảng cáo chính là vì họ tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Đương nhiên là bạn cũng hiểu rằng, những người nổi tiếng đó ko hiểu nhiều về sản phẩm, nên họ ko phải là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ bị những sản phẩm đó thu hút hơn. Lý do là, hình ảnh và danh tiếng của những người nổi tiếng có thể truyền tải thông điệp một cách nhanh chóng và hiệu quả, khiến cho thông tin trở nên dễ tiếp nhận hơn. Điều này cho thấy sức mạnh của câu chuyện và cách mà nó có thể kết nối con người với nhau trong một mạng lưới rộng lớn hơn.
Kết thúc bài viết này, tôi nhận ra rằng “Nexus” không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một lời nhắc nhở về cách mà chúng ta tương tác với thông tin và sự thật trong thế giới hiện đại. Trong một thời đại mà thông tin tràn ngập, việc hiểu rõ những mối quan hệ phức tạp giữa các yếu tố khác nhau là điều vô cùng cần thiết. Chúng ta cần phải cẩn trọng với những câu chuyện mà chúng ta tin tưởng và luôn đặt câu hỏi về những gì thực sự nằm sau những lớp vỏ bề ngoài.
Leave a Comment