Phát triển tính cách: Từ ích kỷ khó tính, đến rộng lượng dễ tính, rồi thông cảm khó tính!
Published:
Tôi thấy vài năm trở lại đây, tôi thường dễ tính với mọi người. Ấy là vì tôi hiểu mỗi người có một cách sống khác nhau, và tôi tôn trọng sự khác biệt. Kiểu, nếu đó là “matter of choice”, hoặc họ cố chấp vào cách làm của họ, thôi tôi, tôi chẳng có gì để nói với họ. Nhưng đó là trong trường hợp chúng tôi chỉ là bạn bè, kể cả là bạn thân, vì suy cho cùng chúng tôi cũng chẳng chung bơi quyền lợi gì nhiều. Tuy nhiên, trong mối quan hệ khác, ví dụ như gia đình hoặc công việc, tôi thấy tính cách này của tôi thực sự ko ổn lắm. Tôi cảm thấy mình ko đủ khó tính để đồng nghiệp nghe mình. Tôi ko cho phép mình ép họ phải làm cái này cái kia, nhưng kỳ thực, việc đó làm trì hoãn project của tôi khá nhiều. Còn với chuyện gia đình, trong một trường hợp cần tranh luận để đưa ra quyết định, tôi cảm thấy tính cách hiện tại của mình sẽ cho những người còn lại quá nhiều quyền tự do, khiến quá trình đưa ra quyết định bị chậm lại (cuối cùng nó vẫn sẽ được đưa ra, nhưng tôi phải mất công ngồi giải thích và “dỗ dành” người khác). Do tôi dễ tính nên mọi người ko có động lực thay đổi những điểm chưa tốt của họ, mà họ lại còn quay lại “quan tâm” tôi quá mức. Có vẻ không ổn. Tôi vẫn sẽ giữ sự tôn trọng tự do cá nhân, vẫn thông cảm cho mn, nhưng tôi cần có cái uy của người lãnh đạo. Tôi cần khó tính hơn!
Nhìn ngược về quá khứ, khi còn bé, tôi được dạy dỗ về sự nhường nhịn, ko được ích kỷ, và cách nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan, và có sự thông cảm cho mọi người. Con người lúc nhỏ thường ích kỷ như một bản năng, và những bài học ấy đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, giúp ta hòa nhập và trở thành một phần tử có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn trưởng thành, với những đòi hỏi khắt khe hơn của cuộc sống, khi con người phải chuyên biệt hóa để thực hiện chức năng xã hội, có vẻ như những bài học trên ko còn hoàn toàn đúng để tôi luôn tuân theo.
Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi sự chuyên môn hóa cao, tôi cần lấy lại cái tôi của mình. Tôi cần đánh giá một người thật kỹ lưỡng, ko phải để ko chơi với họ, mà để phục vụ cho công tác nhân sự - một việc tối quan trọng. Tôi cần dũng cảm thể hiện cái tôi của mình để chứng tỏ bản thân trong môi trường công việc ngày càng cạnh tranh. Tôi cần khó tính với những việc làm của mọi người, để mình đánh giá được người khác tốt hơn, có nhiều dữ liệu hơn về họ, và bên cạnh đó là sự quan tâm sâu sắc hơn đến mọi người. Sự nhún nhường, dễ dãi không còn phù hợp trong bối cảnh này.
Sự khó tính, sự khẳng định bản thân không đồng nghĩa với việc trở nên ích kỷ hay kiêu ngạo. Thay vào đó, tôi cần tập trung phát triển chuyên môn, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để trở thành người có năng lực, có thể đóng góp giá trị cho công việc. Thực ra, để khó tính được, thì tôi cần phải biết nhiều. Đồng thời, cần học cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp, tôn trọng những người có năng lực dù họ ở vị trí thấp hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, bài học về sự nhường nhịn và khách quan thuở nhỏ cần được “unlearn” một phần khi tôi trưởng thành. Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, tôi cần có cái tôi để khẳng định bản thân, phát huy năng lực cá nhân để thành công. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quay về với bản ngã ích kỷ thuở nhỏ. Thay vào đó, tôi cần xây dựng bản thân trở thành người vừa giỏi giang, vừa bao dung, vừa có chuyên môn cao, vừa biết thấu hiểu và tôn trọng người khác. Nói cách khác, tôi được trở về với bản năng của mình, nhưng ở một phiên bản cao hơn. Trong tương lai, có thể tôi cũng sẽ đi đến bản cao của sự dễ tính - vừa có cái uy, vừa có mắt nhìn người, nhưng cũng dễ tính với mọi người.
Leave a Comment