Nuôi dạy một đứa trẻ
Published:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan
Nhưng cha mẹ phải tính toan
Nuôi con khôn lớn dễ dàng gì đâu!
Tôi càng ngày càng nhận ra việc nuôi dạy một đứa trẻ là việc khó. Thời buổi kinh tế đã ổn, ko thiếu ăn thiếu mặc, thì một vấn đề khác bắt đầu được quan tâm là sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ.
Chuyện mà mẹ tôi kể thì chủ yếu là về ngày xưa nghèo cho chính sách kinh tế bao cấp, mà ông bà cũng ko làm kinh tế giỏi nên thiếu ăn. Bố tôi thì cũng chẳng mấy khi kể chuyện gì về ngày trước. Mặc dù cũng có nhiều vấn đề về tinh thần như chuyện dựng vợ gả chồng, cơ mà chuyện đó ko được nhắc đến thường xuyên. Thế hệ bọn tôi thì ko thiếu ăn nữa, cơ mà rất nhiều người trong thế hệ bọn tôi, trong đó có cả tôi, từng trách phụ huynh là ko đủ trưởng thành về mặt cảm xúc, và làm cho cuộc sống gia đình ko tốt, ảnh hướng đến bọn tôi. Ko mấy ai nói về chuyện đói ăn nữa.
Thú thực là tôi nghĩ, nếu phải chọn giữa tình thương và cơm áo từ phụ huynh, tôi sẽ chọn tình thương. Vì tình thương (và cách mà bố mẹ xử lý tình huống trong gia đình) là hành trang rất lớn để con cái vào đời. Nghề chọn người, thực ra là chọn tính cách của người đó. Tức là việc cư xử đúng mực của bố mẹ tạo ra một lợi thế về nghề nghiệp rất lớn cho con cái. Đói ăn thì vẫn sống được, cả một thế hệ bố mẹ tôi đều như thế, giờ vẫn sống tốt đấy thôi.
Nói vậy thôi, cơ mà việc dành tình thương cho con cái cũng là một việc ko hề dễ dàng. “Cách cho hơn của đem cho” mà!. Bạn gái tôi, một bác sĩ nội trú ngành Nhi khoa, có kể chuyện về một vài trường hợp trẻ vị thành niên đến khám ở Nhi trung ương. Những bạn đó có nhiều triệu chứng về rối loạn tâm lý. Khi bạn gái tôi nói chuyện với những bạn đó, thì mới biết những chuyện chúng giữ trong lòng cũng ko có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đó là những niềm tin sai lệch của chúng, khi mà ko có ai chia sẻ, góp ý, định hướng quan điểm của những bạn nhỏ ấy một cách đúng đắn. Thực sự, việc chăm sóc đến sức khỏe tinh thần của con cái cần rất nhiều nỗ lực giao tiếp từ phụ huynh.
Việc con trẻ hình thành nhận thức giống như một mô hình AI đang được huấn luyện. Dữ liệu trong sự phát triển của một đứa trẻ là từ những tương tác của nó với môi trường, hoặc những thứ nó quan sát được. Phân bố của dữ liệu đầu vào này là rất quan trọng! Giống như việc mô hình AI được huấn luyện trên dữ liệu có nhiều văn bản tiếng Việt thì nó có khả năng xử lý văn bản tiếng Việt tốt hơn, một đứa trẻ được tương tác với nhiều người thì nó sẽ nói sõi từ sớm, hoặc nếu tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ thì khả năng cảm nhạc cũng tốt hơn.
Hai năm trước, một nhánh phương pháp suy luận cho mô hình ngôn ngữ (Language Model, viết tắt là LM) để trả lời các câu hỏi được ra đời. Đó là phương pháp chuỗi suy luận (Chain-of-Thought), khi mà LM sẽ từ từ giải thích từng bước suy luận để hướng tới câu trả lời đúng. Tuy nhiên, do lúc đó phương pháp đó mới được áp dụng và các LM chưa được huấn luyện để trả lời câu hỏi theo cách này một cách kỹ càng (underfit), có rất nhiều trường hợp rằng LM đã trả lời đúng đáp án, tuy nghiên những bước suy luận của mô hình là sai hoàn toàn. Nó có thể là những lập luận sai, hoặc thậm trí là không có thật. Lý do thì muôn hình vạn trạng, có thể là LM tạo ra những lập luận ngẫu nhiên, hoặc lập luận nó cần để trả lời câu hỏi chưa bao giờ xuất hiện trong tập dữ liệu mà nó được huấn luyện trên đó. Bằng việc tiếp tục huấn luyện các LM trên nhiều tập dữ liệu suy luận với những kiến thức và luận luận mới, các LM đã có nhiều câu trả lời đúng hơn, cũng như có những chuỗi suy luận đúng đắn đơn. Đó là thực tế của ngành nghiên cứu của tôi trong hai năm vừa rồi.
Quay trở lại với con trẻ, chúng có bản năng dùng phương pháp chuỗi suy luận để giải thích các sự vật hiện tượng từ rất sớm. Việc bắt trẻ em phải đối mặt những thứ phức tạp mà ko giải thích rõ ràng sẽ gây ra khoảng trống kiến thức trong đầu trẻ. Để lấp đầu khoảng trống đó (và có đối sách giải quyết trong tương lai cho sự việc tương tự), trẻ buộc phải nghĩ ra những luận điểm để kết nối hiểu biết của chúng với sự việc trong thực tế. Cũng giống một vài trường hợp mà mô hình ngôn ngữ đưa ra một chuỗi lập luận sai để trả lời đúng một hỏi, trẻ cũng có thể dùng những niềm tin sai lệch về để giải thích một việc. Lý do cũng có thể là, chúng chưa có những luận điểm đó trong đầu, có thể chúng ko nhận ra và bố mẹ cũng ko nói như vậy. Ví dụ, khi một đứa trẻ đòi mua một món quà mà bố mẹ ko đồng ý, đứa trẻ có thể sẽ nghĩ rằng bố mẹ ko thương nó thay vì nghĩ rằng nhà mình ko có tiền. Đứa trẻ có thể chưa nhận thức được tình hình tài chính của gia đình, còn phụ huynh thì lại ko giao tiếp hiệu quả để nói thẳng với trẻ về điều đó. Đương nhiên, cách giải quyết cũng rất trực diện: dần dần dạy chúng những luận điểm đó, cởi mở để giao tiếp với trẻ và giải quyết khúc mắc. Việc đó đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì trẻ con chưa hiểu biết nhiều. Tuy nhiên, quyết tâm thì sẽ làm được!
Trong một hoàn cảnh khác, do cha mẹ sinh con trời sinh tính, nên có những trẻ sẽ ngang bướng và ko chịu nghe lời. Cũng dễ hiểu vì nó chưa hiểu biết nhiều, và thứ nó được nghe là kinh nghiệm truyền miệng chứ ko phải thực nghiệm. Trong ngành sư phạm, chỉ truyền miệng là ko đủ, mà cũng cần thực nghiệm. Đương nhiên, thực nghiệm thì có rủi ro. Ví dụ, khi ta nhắc nhở trẻ về việc ăn cắp vặt nhưng ko hiệu quả và ta quyết định để trẻ làm sai, thì khi bị phát giác, trẻ sẽ bị nói nặng lời, bị đánh, … Cơ mà có lẽ những phản hồi đó từ xã hội cũng là một nguồn dữ liệu (rất) tốt để trẻ học hỏi và điều chỉnh hành vi. Tôi nhớ đến câu chuyện của Phương Nam Sài Gòn Tếu trong một vở diễn, rằng có một đứa trẻ bóp *ú của một chị kia khi mọi người đang đi bộ trên đường. Phản ứng của chồng chị kia là tát cho đứa trẻ một cái, và khi được hỏi về cách hành xử đó thì cả khán phòng đều đống tình. Mặc dù người ta hay nói “vũ lực là sự thất bại của ngôn từ”, nhưng cú tát đó là một trong những cách dạy bọn trẻ rất nhanh về việc nó ko được làm như vậy. Nó có sức ảnh hưởng hơn rất nhiều so với việc giải thích cho đứa bé kia là “Con ơi, việc này là ko đúng”, vì nó cũng chưa hiểu gì. Thế nên, các cụ mới có câu “Yêu cho doi cho vọt”. Đương nhiên, một phiên bản tốt hơn của cách dạy trẻ đấy, đó là sau khi đánh, thì hỏi nó về cách nó lập luận để đưa ra hành động ko đúng, rồi sửa đổi nó. Chỉ dùng vũ lực cũng ko tốt!
Tản mạn một chút về việc định hướng cho người lớn, chứ ko chỉ là trẻ con. Thực ra trường hợp này khó hơn là nuôi dạy trẻ con. Giống như một ngôi nhà đang xây dở, khó sửa chữa hơn là đập đi xây lại. Người trưởng thành có cả một hệ tư tưởng như cột trụ nhà, giờ đây phải thay đổi hệ tưởng, đập cột trụ đi để xây cột trụ khác thì quả đúng là một việc ko dễ dàng. Ko biết cột trụ mới có chống đỡ được ngôi nhà trong môi trường sống đó ko. Định hướng cho trẻ con khó 1, thì định hướng cho người lớn khó 10.
Hôm trước tôi có nói chuyện với labmate cũ. Tôi biết được thêm nhiều chuyện ảo lòi, từ việc advisor cũ của tôi cay cú vì thua một đồng nghiệp (Kai Wei Chang, hiện đang ở UCLA), đến chuyện về một thành viên mới trong lab cũ. Đây là đệ của chính ông labmate cũ mà tôi nói chuyện. Tôi tưởng thanh niên đó có kỹ năng nghiên cứu thượng thừa thì mới có học bổng của chính phủ Hong Kong, hóa ra nó chưa có kỹ năng gì nhiều. Thầy cũ và labmate cũ đau đầu vì nó, vì cố gắng định hướng cho nó cách nghiên cứu, rằng phải đọc nhiều bài báo nghiên cứu, rồi cải thiện kỹ năng lập trình. Việc khuyên nhủ rất logic như vậy tưởng như sẽ giúp thanh niên đó ngộ ra, cơ mà ko. Nó vẫn chỉ đọc bài báo nào thì biết bài báo đó, và vẫn chỉ biết code cơ bản. Ông labmate bảo tôi rằng, cả ổng và thầy đã cố gắng khuyên nhủ nó từ đầu năm nay đến tận tháng 9 rồi cơ mà nó không nghe, vậy nên họ quyết định buông, để nó tự khám phá. Báo nghiên cứu của nó bị reviewer chê thì nó sẽ hiểu vì sao mọi người khuyên nó thế. Haiz! Tôi ko có quyền phán xét, và cũng ko biết thanh niên kia đang suy nghĩ gì. Chắc nó có nhận ra công việc mà nó cố dành lấy ko giống như tưởng tượng. Và nó chắc cũng đang tìm hướng đi cho mình!
Leave a Comment